Lịch sử Ấp_Ánh_Sáng

Ấp Ánh Sáng là điểm tụ cư đầu tiên của người dân Thừa Thiên Huế trên đất Đà Lạt. Nơi đây nguyên là một vùng đất trũng giữa thung lũng suối Cam Ly với cây cối rậm rạp. Sau khi những cư dân Huế đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt, họ đã cải tạo, khai hoang và biến nơi này thành một vùng sản xuất nông nghiệp mới. Năm 1946, người dân Đà Lạt tản cư nên vùng đất ấp Ánh Sáng chỉ còn lại vài hộ gia đình. Từ năm 1947, người dân Huế lại tụ tập về đây và đến năm 1952 ấp Ánh Sáng đã có 36 gia đình cư ngụ.

Năm 1952, với mong muốn giúp người dân an cư ổn định cuộc sống, thị trưởng thành phố Đà Lạt lúc bấy giờ là ông Cao Minh Hiệu đã quyết định xây dưng một khu nhà gỗ kiểu mẫu dành cho người dân và chính thức đặt tên cho cụm dân cư này là "ấp Ánh Sáng". Đến những năm 1960, do tình hình chính trị rối ren ở các đô thị miền Nam và nhất là do chiến dịch Mậu Thân (1968) với trận tuyến Trị - Thiên vô cùng ác liệt nên hàng loạt gia đình đã phải giã từ cố đô Huế để tìm đến Đà Lạt sinh cơ lập nghiệp, ấp Ánh Sáng là một trong những nơi để họ đến. Ngày nay, ấp Ánh Sáng có khá đông dân cư là người gốc Thừa Thiên Huế vẫn còn lưu giữ những nét Huế cổ xưa.[2]

Những năm cuối của thế kỷ XX, ấp Ánh Sáng đã có hàng trăm gia đình sinh sống. Đất chật, người đông nên việc xây dựng, cải tạo nhà cửa và các công trình khác gặp rất nhiều khó khăn. Để xây dựng Đà Lạt trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, vào năm 2002 UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định giải tỏa ấp Ánh Sáng để triển khai xây dựng một khu trung tâm thương mại với những tòa nhà cao tầng sang trọng có đầy đủ những chức năng phục vụ đời sống cho người dân. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc thống nhất tiền đền bù đất cho người dân nên đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.[3]